Hướng dẫn cập nhật WordPress

Cập nhật lần cuối vào

Cập nhật WordPress lên phiên bản mới nhất là công việc cần phải làm thường xuyên, bài viết này mình sẽ hướng dẫn cho các bạn cách update cho WordPress, bao gồm cập nhật giao diện, cập nhật plugin và cập nhật bộ core.

Cập nhật WordPress

Bạn nên luôn luôn cập nhật WordPress lên phiên bản mới nhất. Khi có một phiên bản mới của WordPress được công bố thì bạn sẽ thấy được tin nhắn thông báo trên màn hình của bảng điều khiển admin. Để cập nhật cho WordPress thì bạn nhấn chuột vào thông báo này.

Thông báo cập nhật cho WordPress

Để xem thông tin cập nhật cho WordPress thì bạn đăng nhập vào bảng điều khiển và vào menu Updates.

Dashboard -> Updates

Nếu bạn chưa tìm ra được vị trí của menu Updates ở đâu thì bạn có thể xem lại bài viết mình đã đăng về hướng dẫn sử dụng Dashboard của WordPress.

Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng Dashboard của WordPress

Có 2 cách để bạn cập nhật cho WordPress, cách đơn giản nhất đó là bạn sử dụng trình cập nhật trong bảng điều khiển, với vài cú click chuột là bạn có thể nâng cấp mọi thứ trong WordPress lên phiên bản mới nhất. Cách cập nhật trong bảng điều khiển hoạt động được với hầu hết mọi người, tuy nhiên, nếu bạn không nằm trong số đó thì có thể cập nhật cho WordPress bằng tay.

Xem thêm: Cập nhật cho WordPress an toàn nhất

Chú ý: Quá trình cập nhật cho WordPress sẽ ảnh hưởng đến các thư mục và tập tin trên website của bạn, bao gồm các thư mục bên trong bộ core của WordPress, thư mục giao diện và plugin. Nếu bạn có chỉnh sửa trong các tập tin nằm trong phạm vi cập nhật, sau khi quá trình update thành công thì mọi thay đổi của bạn sẽ bị xóa hết.

Lưu ý trước khi cập nhật WordPress

Việc update cho WordPress thông thường xảy ra trơn tru, không bị lỗi, nhưng để bảo đảm an toàn cho dữ liệu của bạn thì bạn nên thực hiện các thao tác bên dưới.

  • Nên sao lưu lại cơ sở dữ liệu, phòng trường hợp bạn cập nhật thất bại thì khôi phục lại dữ liệu.
  • Nếu cần thiết thì sao lưu lại toàn bộ tập tin trên hosting của bạn.
  • Nếu cần thiết nữa thì bạn nên chuyển giao diện về mặc định và ngừng hoạt động toàn bộ plugin.

Trong 3 cái trên thì bạn chỉ cần sao lưu cơ sở dữ liệu, nhưng nếu bạn cẩn thận hơn thì làm cả 3 công việc bên trên, hoặc chỉ sao lưu cơ sở dữ liệu và tập tin là đủ.

Hướng dẫn cập nhật WordPress

Như mình có nói ở bên trên, bạn có 2 cách để cập nhật toàn bộ cho WordPress. Đối với WordPress các phiên bản mới gần đây thì hệ thống đã có chức năng tự động cập nhật, ví dụ bạn đang dùng WordPress phiên bản 3.7 thì khi phiên bản WordPress 3.7.1 phát hành, hệ thống sẽ tự động cập nhật cho bạn. Riêng trường hợp nhảy lên 1 phiên bản thì bạn phải vào bảng điều khiển để thực thi quá trình cập nhật.

Bạn vào menu Updates như mình thông báo bên trên, nhấn vào nút màu xanh với nhãn là Update Now, bạn đợi trong giây lát để quá trình cập nhật bộ core cho WordPress hoàn tất. Sau khi cập nhật bộ core thành công thì bạn lại kéo xuống dưới, lựa chọn giao diện và plugin để cập nhật lên phiên bản mới nhất.

Nếu quá trình cập nhật diễn ra đúng thứ tự, bạn sẽ nhận được thông báo cập nhật WordPress thành công, nếu là phiên bản mới của WordPress thì bạn sẽ được chuyển tiếp đến trang giới thiệu các tính năng được cập nhật trong phiên bản mới.

Trong trường hợp bạn không thể cập nhật được trong bảng điều khiển thì bạn hãy lên trang chủ của WordPress, tải phiên bản mới nhất về máy tính, giải nén và dùng phần mềm FTP Client để up dữ liệu lên hosting.

Xem thêm: Hướng dẫn đưa WordPress lên host

Nếu bạn vẫn chưa biết cách sao lưu toàn bộ tập tin trên hosting thì hãy đọc qua bài viết Hướng dẫn sao lưu dữ liệu trên hosting dùng cPanel mình đã đăng trước đó trên blog. Qua bài viết này thì bạn đã có cái nhìn tổng quát về quá trình cập nhật cho WordPress, hy vọng rằng bài viết sẽ giúp ích được bạn trong quá trình cài đặt và sử dụng WordPress. Chúc bạn thành công.